Giáo sư Phan Văn Trường: 'Chúng ta chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho TPP'
Ngày đăng:
12/10/2015 10:15
(TNO) Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem đến cho kinh tế Việt Nam cả cơ hội lẫn thử thách, khó khăn. Muốn vượt qua điều đó chỉ có cách nền kinh tế, doanh nghiệp trong nước phải phát huy được nội lực chính mình.
Giáo sư Trường nói: TPP tạo ra một thị trường mới bằng cách xóa bỏ các loại thuế và rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập giữa các quốc gia trên khu vực Thái Bình Dương.
Giáo sư Phan Văn Trường - Ảnh: Trung Hiếu |
Vào TPP là vào một cuộc chơi mới. Người ta ước lượng khối TPP sẽ mở ra một thị trường vô cùng hứa hẹn, mà người ta cho rằng Việt Nam là nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất do là nước kém phát triển nhất. 40% nền kinh tế thế giới được hội tụ trong TPP. Lưu vực rộng lớn Thái Bình Dương được coi là trọng tâm kinh tế của thế kỷ thứ 21. Đúng hay sai còn tùy thuộc vào sự nhiệt tình của các đối tác hội viên.
Hiệp định nào cũng tốt ít nhiều, vì vậy chúng ta mới ký. Theo ước tính, các ngành dệt may, giày dép và thủy sản sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng chúng ta hãy bàn sâu hơn để hiểu rõ hơn chủ ý của những nước đề xướng nó ra.
Cơ hội cho người trẻ
* Ông nhìn thấy cơ hội của Việt Nam trong TPP như thế nào?
-
Giáo sư Phan Văn Trường: Mọi hợp tác đều đem đến cơ hội. Cơ hội nào cũng có khả năng trở thành cơ hội tốt. Vấn đề là chúng ta có nắm được cơ hội đó hay không. Đó mới là điều quan trọng. Trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tôi từng chia sẻ nhiều nhận xét trên báo. Tôi có nói là Việt Nam vào WTO sẽ nhận nhiều cơ hội đấy, nhưng tôi e rằng chúng ta sẽ không nắm được hết mọi cơ hội. Bởi một lý do đơn giản là nền kinh tế của chúng ta không đủ chuẩn bị vào thời điểm ấy. Vào thời đó, có lẽ Việt Nam đã cố ý nhìn ngược vấn đề, coi đó đơn thuần như là một dịp để khuấy động nền kinh tế và thương mại, trong khi đáng lẽ phải chuẩn bị từ trước khi đàm phán để chi phối cuộc thương thuyết theo chiều hướng có lợi chiến lược cho từng lãnh vực công - nông nghiệp và dịch vụ trong nước. Thành thử WTO chỉ trả bài cho chúng ta như là một còi báo thức chứ không phải là một công cụ để tỉ mỉ xây dựng và củng cố nền kinh tế theo từng phân khúc.
|
|
|
Ai cũng thấy sự vắng mặt của Trung Quốc. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên. Nhưng chúng ta đừng vội kết luận là có mâu thuẫn thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây mới là hiệp đầu. Tôi nghĩ Mỹ muốn đo lại thực lực và thiện chí của Trung Quốc. Ai cũng biết, chính sách của Mỹ chủ yếu là chi phối cả thế giới qua mảng kinh tế chứ không nhất thiết phải quân sự. Do đó chẳng sớm thì chày Mỹ và Trung Quốc sẽ mở thêm những đường bang giao thương mại ngoạn mục sau này giữa hai nước
|
|
|
Giáo sư Phan Văn Trường
|
|
|
Vào TPP cũng như vào WTO, nghĩa là chúng ta gia nhập một cuộc chơi. Cuộc chơi này có những quy luật của nó, có trọng tài. Các đối tác như Mỹ, Chile, Singapore đều có thể là đối tác tích cực, nhưng họ cũng cùng một lúc là đối thủ cạnh tranh.
Nếu chúng ta chỉ tiếp tục xuất khẩu lao động thiếu chuyên môn tay nghề, bán khoáng sản, hay nhận làm gia công, trong khi đó chúng ta lại càng mua thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì thử hỏi như thế là một thắng lợi hay là một mối lo? Đó là chưa kể lao động của chúng ta sẽ càng ngày càng đắt, một ngày kia không còn giá cạnh tranh. Thế rồi cả hải sản nữa, chúng ta không phải là nước duy nhất sản xuất hải sản trên lưu vực đại dương.
Tôi rất mong như tất cả mọi người rằng với hiệp định TPP chúng ta sẽ thoát khỏi vòng luẩn quẩn nói trên. Tôi rất mong tôi nghĩ sai, nói sai để được trông thấy Việt Nam chúng ta tạo ra thành tích lịch sử.
Cũng phải nói thêm là cuộc chơi TPP cũng chứa nhiểu ẩn ý. Ai ai cũng thấy sự vắng mặt của Trung Quốc. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên. Nhưng chúng ta đừng vội kết luận là có mâu thuẫn thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây mới là hiệp đầu. Tôi nghĩ Mỹ muốn đo lại thực lực và thiện chí của Trung Quốc. Ai cũng biết, chính sách của Mỹ chủ yếu là chi phối cả thế giới qua mảng kinh tế chứ không nhất thiết phải quân sự. Do đó chẳng sớm thì chày Mỹ và Trung Quốc sẽ mở thêm những đường bang giao thương mại ngoạn mục sau này giữa hai nước.
* Như ông nói, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì TPP sẽ đi theo “vết xe đổ” WTO nghĩa là nền kinh tế Việt Nam sẽ không được hưởng lợi nhiều thậm chí sẽ còn gặp nhiều thách thức?
- Chuẩn bị kỹ lưỡng là gì? Trước hết là phải biết chúng ta thực sự muốn gì và đi đâu. Nếu chỉ để xuất khẩu thêm khâu may mặc, hoặc bán cá tôm, hoặc tăng trưởng khâu du lịch thì cũng tốt đi, nhưng thử hỏi có cần TPP để làm việc đó không? TPP sẽ mở toang thị trường của chúng ta cho các nước trên lưu vực Thái Bình Dương cũng như sẽ mở toang thị trường của họ cho chúng ta. Họ đã chuẩn bị để vào, liệu chúng ta đã có chuẩn bị để đối đáp tương tự?
Theo tôi, mọi bước tiến phải trước nhất đem lợi cho toàn bộ nền nông nghiệp của Việt Nam. Toàn nền nông nghiệp chứ không phải chỉ có hải sản. Ưu tiên số một của chúng ta đấy, đừng bao giờ lầm. Chúng ta đang rất cần ổn định cả đời sống nông thôn trên toàn lãnh thổ. Để làm vậy chúng ta cần đi xa hơn vấn đề thu nhập của nông dân vốn đã quá thấp để đi tới việc cấu trúc lại đời sống nông thôn.
Tôi đã được chứng kiến người nông dân bên Malaysia hay Thái Lan sống ôn tồn tự tại vui vẻ tại làng mạc của họ. Họ không cảm thấy cần phải tản cư về đô thị để sinh sống. Tôi trông mà phát thèm. Làng quê của chúng ta đang "sa mạc hóa" với tốc độ cao, chỉ còn lại người già và con trẻ. Bao nhiêu thành phần năng hoạt nhất của nền nông nghiệp đang tiếp tục tản về đô thị hết, ùa vào những nghề mà họ không chuyên môn, bỏ rơi nghề cố hữu là trồng trọt nuôi cày.
Nếu TPP hay WTO mà có hệ quả là tăng hiện tượng đô thị hóa và cùng một lúc sa mạc hóa nông thôn đây sẽ là một thất bại ê chề về xã hội và đời sống cả đô thị lẫn nông thôn.
Chuẩn bị kỹ là gì nữa? Đó là cho phép thế hệ trẻ của Việt Nam nhìn tương lai của họ khác đi. Nếu gọi TPP là một biển cơ hội, thì chúng ta hãy làm cho những cơ hội đó sẽ tới ưu tiên với thế hệ trẻ của Việt Nam. Ngày nay, giới trẻ phải loay hoay tìm việc trong một thị trường thiếu đa dạng, giữa một số lãnh vực quá giới hạn. Tôi muốn tránh cho các bạn trẻ bị ám ảnh bởi tư duy xuất ngoại vĩnh viễn. Tôi muốn họ được cơ hội xứng đáng xây đắp nước Việt Nam như những công dân Hàn Quốc hay Malaysia làm cho xứ của họ. Muốn vậy TPP phải mở cửa cho Việt Nam để vào một thế giới công nghệ đa dạng, lý thú, hoàn toàn nội hóa, đủ sức cạnh tranh với nước ngoài.
Đấy, chuẩn bị là thế, ở trên chỉ là hai ví dụ cụ thể mang tính tích cực. Còn nhiều việc khác phải làm.
Gia nhập TPP, nền kinh tế Việt Nam sẽ có cả cơ hội lẫn thử thách - Ảnh: Trung Hiếu |
Bài học từ WTO
* Trái với nhiều ý kiến hồ hởi khi Việt Nam gia nhập TPP, ông lại khá bi quan?
- Không đâu, tôi không bi quan, mà tôi đốc thúc mọi người hãy thực tế. Mục đích tối hậu của chúng ta là biến TPP thành cơ hội cho toàn dân, cho toàn các lãnh vực của nền kinh tế. Tôi xin hỏi một câu hỏi ngây thơ, có doanh nghiệp nhà nước nào đã chuẩn bị thực sự cho TPP chưa, tức đã có chiến lược chưa? Có lộ trình chưa? Có ngân sách chưa? Có đào tạo nhân sự chưa? Có nối mối quan hệ với các công ty tương đồng ở các nước TPP chưa?
Tôi không biết nên mới hỏi. Nhưng nếu câu trả lời là không thì thiết tưởng không nên chậm trễ thêm nữa. Đây là lúc hành động đấy, hơn lúc nào hết doanh nghiệp nhà nước là mũi nhọn có nghĩa vụ rõ ràng là dẫn dắt mọi sinh hoạt kinh tế của đất nước. Và không những thế họ đã có nhiều năm để suy ngẫm và phản ứng sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tôi mong vào dịp TPP này họ không còn bỡ ngỡ và chần chừ. Đó là chỉ nói về doanh nghiệp nhà nước, còn cả các doanh nghiệp tư nhân nữa thì sao?
* Nghĩa là kinh tế Việt Nam sẽ mất nhiều hơn được?
|
|
|
Nếu TPP hay WTO mà có hệ quả là tăng hiện tượng đô thị hóa và cùng một lúc sa mạc hóa nông thôn đây sẽ là một thất bại ê chề về xã hội và đời sống cả đô thị lẫn nông thôn
|
|
|
Giáo sư Phan Văn Trường
|
|
|
- Có thể là như vậy nếu chúng ta không sắp sẵn bộ máy kinh tế một cách bài bản. Không ai cho không chúng ta cái gì cả, cuộc chơi không có mục bố thí. Mặt phải là cơ hội, mặt trái là thách thức. Ta sẽ vui hơn nếu mọi ngành, mọi lĩnh vực được hưởng lợi từ TPP. Ta sẽ là không vui nếu đại đa số lĩnh vực gặp khó khăn...
* Vậy khó khăn, thách thức của doanh nghiệp khi vô TPP có giống với WTO không?
- Cũng khá giống nhau ở chỗ cả hai đều mở rộng thị trường Việt Nam cho đối tác bên ngoài cũng như mở rộng thị trường các nước thành viên của TPP cho doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ khác nhau ở một điểm là chúng ta đã có nhiều năm để suy ngẫm và rút tỉa bài học của việc gia nhập WTO. Gần 10 năm WTO rồi đấy, chúng ta đã thực hiện được những gì?
Phải phát huy nội lực
* Vậy nền kinh tế và doanh nghiệp Việt đang thiếu cái gì để khi vô TPP hưởng lợi nhiều hơn?
- Nền kinh tế Việt Nam hiện có khá nhiều doanh nghiệp phải cấu trúc lại, ví dụ như ngân hàng. Chính phủ đã làm điều này rất tốt khi sáp nhập, tái cấu trúc một số ngân hàng. Còn nhiều việc phải tiếp tục làm. Một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam được doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao và muốn mua hoặc sáp nhập nhưng tôi chưa thấy nhiều cuộc sáp nhập được hình thành.
Phần lớn công ty ở Việt Nam là công ty gia đình nên nói tới sáp nhập họ có ít nhiều sự tự vệ. Tuy nhiên, trên vài trường hợp, tôi cho rằng việc sáp nhập với doanh nghiệp nước ngoài sẽ cho một động lực mới để phát triển. Chúng ta có quyền tự tại, nhưng mô hình tự tại sẽ làm cho chúng ta đi chậm. Chúng ta cần học nhiều từ nước ngoài, học cách làm việc của họ, học cách tổ chức nhân sự của họ, học văn hóa sáng tạo của họ. Chúng ta không bán nền kinh tế cho nước ngoài, đây là điều tất nhiên, nhưng đối với những doanh nghiệp yếu hoặc nhỏ của chúng ta thì sáp nhập là một giải pháp để tiến nhanh. Tránh nhất là nhào vào tay những doanh nhiệp Trung Quốc vừa lạc hậu vừa ẩu xịa thiếu chất lượng. Điều này phải nhấn mạnh cho thật rõ.
* Ông từng sống và làm việc ở nước ngoài và từ lâu đã trở về gắn bó với Việt Nam, và doanh nghiệp trong nước. Vậy theo ông, doanh nghiệp trong nước có đủ sức đương đầu với TPP không?
- Doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang ở thời kỳ khựng lại sau nhiều năm tăng trưởng nhanh. Chúng ta đã đi tới một thời kỳ mới, tôi tạm gọi là thời kỳ bản lề.
Đến ngày hôm nay, những doanh nghiệp Việt Nam với vài ngàn nhân viên được coi là lớn. Nhưng từ nay, họ sẽ quá nhỏ nếu đặt họ trên bản đồ của thế giới đại đồng. Từ công ty gia đình, họ cần chuyển dần sang một hình thức đại chúng hơn. Họ cần học cách làm việc với những chuẩn mực toàn cầu. Họ phải biết đánh giá lại giá trị của việc làm cũng như những sản phẩm của họ. Họ phải tỏ họ có đủ khả năng để tham gia vào phong trào sáng tạo những sản phẩm mới cho thế giới mới. Một thế giới đang vượt chúng ta những hai ba thế hệ chứ không phải một.
Dưới con mắt nhìn đó, TPP hay WTO đều là một cơ hội để mở mắt, để hiểu rằng cuối cùng chúng ta cũng chỉ trông cậy được vào chính chúng ta chứ không ai khác. Tôi muốn đốc thúc tất cả cộng đồng chúng ta theo chiều hướng đó. Chúng ta không có lựa chọn nào khác.
Giáo sư Phan Văn Trường là kỹ sư cầu đường tốt nghiệp tại Pháp năm 1970. Ông là cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp, giáo sư quản trị tại Viện JVN, Đại học Quốc gia. Ông cũng là thành viên HĐQT Công ty Xây dựng và địa ốc Hòa Bình, cố vấn chiến lược tại các trường đại học FPT, Hoa Sen. Ông cũng nguyên là giáo sư quy hoạch vùng và kinh tế đô thị tại Đại học Kiến trúc TP.HCM. |
Trung Hiếu
(thực hiện)