Năm 2018 trình Quốc hội chủ trương đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Ngày đăng: 14/10/2015 08:16

* Sẽ bỏ hẳn phí bảo trì đường bộ với xe máy
Theo chiến lược và quy hoạch phát triển đường sắt vừa được Bộ GTVT công bố, giai đoạn đến năm 2020, sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có, cải tạo các nhà ga trọng điểm.
Giai đoạn từ 2020 đến 2030, triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao, trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 - 200 km/giờ, đường đôi khổ 1,435 m, điện khí hóa, hạ tầng tuyến để có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai. Dự kiến năm 2018 sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án các đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Thông tin trên được công bố tại cuộc họp báo quý 3 của Bộ GTVT diễn ra vào hôm qua. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết phía Trung Quốc dự kiến viện trợ không hoàn lại 10 triệu nhân dân tệ để nghiên cứu tuyến đường sắt cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ngoài ra, ông Trường cho biết, hướng tới sẽ bỏ hẳn phí đường bộ với xe máy, riêng ô tô vẫn thu. Liên quan đến tiến độ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã từng lùi hoãn nhiều lần, ông Trường thừa nhận tiến độ còn nhiều vấn đề. Mục tiêu đặt ra tháng 6.2016 xong phần thô (dầm, nhà ga), phần hoàn thiện mất khoảng 3 tháng, tức tháng 9.2016, chạy thử 3 tháng, trong năm 2016 đưa vào khai thác sử dụng. Trước đó, Bộ GTVT từng chốt tiến độ lần cuối với dự án Cát Linh - Hà Đông là tháng 6.2015.
Về các trạm thu phí BOT, Bộ GTVT cho biết hiện nay có 47 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ đang thu, thời gian tới sẽ có 49 trạm thu phí đi vào hoạt động, nâng tổng số 96 trạm thu phí. Ngoài ra, có 6 tuyến cao tốc thu phí đã hoạt động. Theo ông Trường, khu vực Hà Nội và các vùng lân cận ít trạm BOT nhất cả nước, chỉ bằng 1/ 4 so với khu vực TP.HCM.

Mai Hà