Thoái vốn ở các 'con bò sữa tỉ đô'
Ngày đăng:
16/10/2015 10:05
Với việc
thoái vốn nhà nước ở các công ty có lợi nhuận lớn, hoạt động kinh doanh hiệu quả mà SCIC từng có ý định nắm giữ lâu dài cho thấy quyết tâm thúc đẩy lộ trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ.
Tổng vốn hóa thị trường của 8 doanh nghiệp niêm yết trong số 10 doanh nghiệp được thoái vốn lần này lên đến 3 tỉ USD - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), có đến 376 doanh nghiệp (DN) nằm trong diện phải thoái vốn đến năm 2015.
Trong đó, ngoài Vinamilk, danh sách còn có những công ty lớn như Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (đổi tên là Tập đoàn Lộc Trời), Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex), Công ty CP nhiệt điện Phả Lại, Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VHS), Công ty CP giống cây trồng trung ương (NSC)… Nhưng việc thoái vốn nhà nước của SCIC diễn ra ì ạch và chậm chạp từ 2 năm nay.
“Gà đẻ trứng vàng” cũng bán
Nhiều chuyên gia cho rằng, các công ty làm ăn hiệu quả giống như "con bò sữa tỉ đô" nên nhà nước không muốn thả ra. Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận xét việc giữ vốn ở những DN làm ăn hiệu quả trong những ngành nghề mà nhà nước không cần tiếp tục nắm cổ phần là đi ngược với tinh thần trong luật DN và luật Đầu tư. Theo đó nhà nước không nên tham gia vào những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm.
|
|
Còn khoảng 180 DNNN phải cổ phần hóa đến cuối năm
Theo tin từ Vụ Đổi mới DN (Văn phòng Chính phủ), tính từ đầu năm đến nay, số DNNN đã được cổ phần hóa mới đạt 109 trên tổng số 289 DN phải cổ phần hóa xong trong năm nay. Trong số đó, có 6 tổng công ty và DNNN có quy mô lớn như MobiFone, Tổng công ty điện lực dầu khí (PV Power), Tổng công ty rau quả, nông sản... Theo Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới DN Phạm Tuấn Anh, thời gian tới, các DN còn lại sẽ công bố giá trị - bước quan trọng nhất trong quá trình cổ phần hóa. Mặc dù số DN phải cổ phần hóa xong trong năm nay còn lớn, nhưng ông Tuấn Anh cho rằng, vẫn có thể hoàn thành kế hoạch trong năm 2015.
Cũng theo Vụ Đổi mới DN, từ đầu năm đến nay, số vốn nhà nước được thoái của khối DNNN đạt trên 8.390 tỉ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách. So với 9 tháng của năm 2014, kết quả thoái vốn về giá trị theo sổ sách tăng 140%. Hà Nguyễn
|
|
|
Về động cơ thoái vốn ở 10 DN lần này, ông Đinh Tuấn Minh nhận xét trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang bội chi, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế trong năm thì tiền từ việc bán bớt cổ phần vốn nhà nước tại một số DN có thể dùng để bổ sung chi đầu tư phát triển. Nhưng quan trọng hơn, với việc thoái vốn Vinamilk, FPT, Bảo hiểm Bảo Minh, Vinare… nhà nước vừa cho thấy quyết tâm đẩy mạnh việc thoái vốn, vừa dần tuân theo nguyên tắc của thị trường: những gì tư nhân làm được thì nhà nước không nên tham gia.
Với việc thoái vốn ở những “con gà đẻ trứng vàng”, SCIC cũng sẽ có định hướng rõ ràng hơn về chức năng, chiến lược. Còn DN cũng có động lực, định hướng theo mục đích phát triển tốt nhất cho cổ đông, không bị ràng buộc về chính sách ngành hay chịu sự chi phối của nhà nước.
Thị trường chờ 3 tỉ USD
Thông tin thoái vốn 10 DN, đặc biệt là Vinamilk nhận được sự quan tâm rất lớn của thị trường. Tính toán của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), giá đóng cửa ngày 14.10 là 57.370 tỉ đồng tương đương 2,56 tỉ USD cho 45,1% cổ phần VNM; 1.110 tỉ đồng tương đương gần 50 triệu USD cho 6% cổ phần FPT; gần 956 tỉ đồng tương đương 42,67 triệu USD cho 50,7% cổ phần BMI. Theo tính toán sơ bộ, tổng vốn hóa thị trường phần vốn nhà nước tại 8 DN niêm yết trong danh sách đã lên tới 67.000 tỉ đồng, gần 3 tỉ USD. Ông Fiarch Mac, Giám đốc điều hành HSC, phân tích hiện vẫn chưa rõ liệu cổ phần VNM sẽ được bán một lần hay làm nhiều đợt. So sánh định giá các DN cùng ngành trong khu vực, giá trị hợp lý của cổ phiếu VNM cao hơn thị giá hiện tại 15 - 20%.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, vẫn bảo lưu quan điểm về thị trường chứng khoán trong nước đang cạn tài nguyên và mất sức hấp dẫn. Theo ông, một nhà đầu tư ở New York, London hay Hồng Kông muốn đầu tư vào chứng khoán VN đã khó, bởi nhiều rào cản. Nhưng đã thuyết phục họ đến được thì hầu như hàng hóa lại không hấp dẫn để đầu tư. Đây có thể là một nguyên nhân lớn khiến năm 2014 kiều hối đưa về 12 tỉ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12 tỉ USD, trong khi trên thị trường chứng khoán chỉ thu hút thêm 122 triệu USD.
Một nghiên cứu của Học viện Ngân hàng cũng cho thấy sự thiếu hấp dẫn của thị trường chứng khoán khi lượng vốn FDI tại thời điểm cuối năm 2013 gấp hơn 30 lần so với lượng vốn FII (vốn đầu tư gián tiếp). Vì vậy, việc thoái vốn nhà nước khỏi các DN lớn như Vinamilk, FPT… theo ông Dominic, là một sự đột phá cho thị trường, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với những cổ phiếu blue-chips trên thị trường.
Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn không được nhắc đến khiến không ít nhà đầu tư thất vọng. Theo đề án, SCIC được quyền lựa chọn thời điểm đến khi giá phù hợp. Phó tổng giám đốc SCIC Nguyễn Hồng Hiển cho biết SCIC đang lên kế hoạch thoái vốn và không tiết lộ đợt thoái vốn đầu tiên có kịp nằm trong 2 tháng cuối năm 2015 hay không. Trước đó, việc cổ phần hóa Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) rồi đến Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines) cũng được định từ vài năm trước mà không đưa ra lộ trình cụ thể đã khiến không ít nhà đầu tư tổ chức mệt mỏi và giảm kỳ vọng vào thị trường. Đến năm 2014, 2 DN này cuối cùng cũng được cổ phần hóa thành công.
Vì vậy, nhà đầu tư rất ngại thoái vốn tại 10 DN nói trên sẽ bị kéo dài. Theo các chuyên gia, việc đưa ra thời gian cụ thể sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng vào quyết tâm của nhà nước và vốn nhà nước được bán hiệu quả hơn.
Không cho DNNN đầu tư bất động sản, góp vốn ngân hàng
Theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước (NN) vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN do Thủ tướng Chính phủ ký, từ 1.12.2015, DNNN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán. Quy định này trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc trừ DNNN có ngành nghề kinh doanh chính bất động sản theo quy định của luật Kinh doanh bất động sản. Trường hợp DNNN đã góp vốn hoặc đã đầu tư phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư, nếu không sẽ bị xử lý trách nhiệm. N.Trần Tâm
|
Hồng Sương