Thủy sản kỳ vọng TPP
Ngày đăng: 20/10/2015 11:48

Xuất khẩu thủy sản của VN sang 11 nước thành viên TPP đạt gần 1,92 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm, chiếm 45,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Với việc hiệp định TPP được ký kết, ngành này sẽ có thêm nhiều cơ hội mới.
Thủy sản kỳ vọng TPP - ảnh 1Xuất khẩu thủy sản của VN sang 11 nước thành viên TPP đạt gần 1,92 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm - Ảnh: Chí Nhân
Một phân tích mới đây với chủ đề “TPP - cơ hội và thách thức cho thủy sản” của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cam kết cắt giảm thuế quan, các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa cũng như các chính sách hạn chế thương mại với hàng nông thủy sản ngay khi TPP có hiệu lực, ngoại trừ một số mặt hàng sẽ được cắt giảm theo lộ trình. Các bên trong TPP tạo điều kiện gia tăng thương mại hàng nông nghiệp trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao an ninh lương thực, hỗ trợ việc làm cho người nông dân và chủ trại nuôi gia súc của các nước thành viên.
VASEP nhận định: Các nước thành viên tham gia TPP sẽ được giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu hàng hóa và cắt giảm bằng 0% từ năm 2015. Đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) hải sản, đặc biệt là DN XK cá ngừ sang Nhật Bản - thị trường lớn thứ hai của VN, sau Mỹ. Lâu nay thuế suất cá ngừ VN cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN, gần đây Nhật Bản đã bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm cá ngừ, cá hồi và mở cửa cho các DN thuộc các nước thành viên TPP tham gia tích cực hơn vào thị trường này. Dự báo trong năm 2016, giá trị XK cá ngừ của VN vào thị trường Nhật tăng 5 -15% so với 2015.
Thủy sản kỳ vọng TPP - ảnh 2
Đồ họa: Hồng Sơn
Đối với mặt hàng tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, phân tích: “Về thuế quan dường như chúng ta không có lợi ích trực tiếp gì đáng kể, vì chúng ta đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với đa số các nước thành viên TPP, trừ Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ lại là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của VN trong TPP nên khi hiệp định có hiệu lực chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng chung cho ngành”.
Mặt khác, theo các DN chế biến hải sản XK, nguồn nguyên liệu hải sản trong nước đang dần bị cạn kiệt. TPP sẽ giúp các DN trong lĩnh vực này nhập khẩu nguồn nguyên liệu như cá ngừ, mực, bạch tuộc... với giá tốt hơn từ Malaysia, Mexico, Peru... Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý khi vào TPP, DN thủy sản phải tự làm mới mình, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm mới có thể tồn tại.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Cũng theo ông Lê Văn Quang, khi tham gia TPP, các DN sẽ phải đối mặt với những thách thức về thương hiệu, bản quyền và nhiều vấn đề khác… Tuy nhiên, tác dụng tốt nhất đối với các DN thủy sản chính là các nước có chung một chuẩn mực về chất lượng hàng hóa cho cả cộng đồng, nên với công nghệ chế biến tôm của VN hiện khá cao so với mặt bằng chung, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ tiêu thụ thuận lợi hơn. Thứ hai là nhà nước buộc phải sửa đổi chính sách, luật lệ cho phù hợp hơn nhằm tạo ra môi trường tốt cho DN hoạt động.
“Hiện nay, nhiều luật lệ bất hợp lý mà DN cứ phải chịu trận. Tôi lấy một ví dụ, các nước họ qua đây đánh giá về chế độ an sinh xã hội của DN đối với công nhân thì họ dựa vào luật của VN, mà nhiều cái soi ra rất là buồn cười, ngớ ngẩn. Các DN VN toàn bị rớt vì chính luật của mình. Tôi hy vọng và tin tưởng những thứ như vậy nó sẽ chuẩn hóa hơn, môi trường kinh doanh và nhiều thứ khác sẽ thuận lợi hơn cho DN”, ông Quang nói.

Chí Nhân