Du lịch thuê bao nguyên chuyến máy bay
Ngày đăng:
22/10/2015 11:12
Từ tháng 5 vừa rồi, Vietravel đã phối hợp Công ty bay dịch vụ hàng không Vasco mở đường bay trực tiếp đưa khách từ Cần Thơ đến Đà Lạt với thời gian bay là 1 giờ.
Khách trên các chuyến bay thuê chuyến của Vietravel - Ảnh: V.H |
Nhờ đó, hành khách đỡ tốn nhiều thời gian so với trước đây, khi để đến được Đà Lạt, du khách khu vực miền Tây phải mất hơn 10 giờ đi ô tô lên TP.HCM rồi mới ngược về Đà Lạt.
Chủ động cạnh tranh
Hình thức kết hợp giữa hai công ty là Vietravel thuê bao nguyên chuyến bay của Vasco, chịu trách nhiệm bán vé và tổ chức tour cho du khách, “lời ăn lỗ chịu”. Còn Vasco chuẩn bị phương tiện và thực hiện chuyến bay. Sự kết hợp nghe có vẻ "liều lĩnh" nhưng lại thành công. Không bỏ lỡ cơ hội, Vietravel mở tiếp hành trình theo hình thức tương tự từ Đà Nẵng đi Bangkok (Thái Lan), Cần Thơ - Bangkok, Huế - Bangkok với các hãng hàng không khác. Năm 2014, Vietravel cũng đón khách thuê chuyến từ Thượng Hải đến Đà Nẵng và dự định sẽ tổ chức chuyến bay thuê chuyến từ TP.HCM đến Singapore.
|
|
|
VN cần ngay định hướng bảo vệ thị trường trong nước. Ngay như Thái Lan, dù mở cửa và phải tuân thủ các cam kết, nhưng các công ty du lịch liên doanh với nước ngoài, người Thái phải làm giám đốc, kế toán trưởng... Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải đổi mới DN của mình. Vietravel đang tính đến việc thuê nhân sự nước ngoài để tăng cường nguồn lực; xúc tiến mở các công ty đại diện ở các thị trường trọng điểm nhằm gia tăng sức cạnh tranh
|
|
|
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel
|
|
|
Nhiều công ty du lịch khác ở VN thời gian qua cũng tổ chức chuyến bay thuê chuyến đến Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài. Đến nay, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist tổ chức 10 đoàn khách Việt thuê chuyến bay đến Nhật, riêng những tháng đầu năm 2015 có đến 7 đoàn. Một số công ty du lịch trong nước tổ chức thuê chuyến bay đưa khách đến Hàn Quốc, sau đó đón khách Hàn Quốc ngược lại VN.
Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết so với các tour thông thường, tour thuê chuyến bay đến Nhật, Hàn có giá rẻ hơn khoảng 10 triệu đồng/ khách. “Chúng tôi kết hợp với đối tác Nhật để họ đưa khách vào VN và Saigontourist đưa khách VN đến Nhật trên hai chặng bay.
Ví dụ, đoàn khách VN đến Nhật thì đoàn khách từ Nhật sử dụng cùng máy bay để tới VN. Vì thế, chi phí được tiết giảm nhưng điều quan trọng là phải có được khách ở cả hai đầu”, ông Tài nhấn mạnh. Còn theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, khi mở đường bay Cần Thơ - Đà Lạt, khách không chỉ được hưởng lợi về thời gian và sức khỏe, mà còn mua tour với giá rẻ hơn tour đường bộ cùng hành trình khoảng 10%. Các đường bay đưa khách trong nước đến Bangkok bằng thuê chuyến cũng rẻ hơn tour thông thường từ 20 - 40 USD/khách.
Không chờ cơ hội
Thuê bao chuyến bay chỉ là một trong số rất nhiều giải pháp để cạnh tranh nhằm giữ thị trường khách Việt. Các công ty du lịch VN thời gian qua đưa ra nhiều sản phẩm mới như Saigontourist tổ chức cho khách Việt bay ra nước ngoài để đi tour du thuyền (thường thì bay đến Singapore, từ đây tham quan các nước); Vietravel tiếp cận những thị trường trong nước còn bỏ trống như Nghệ An, Bến Tre...; Lạc Hồng Voyages tìm kiếm nguồn khách Ấn Độ... TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đánh giá cao sự năng động của các công ty du lịch VN khi không ngồi im để chờ cơ hội trong bối cảnh VN tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế chung Asean AEC.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel nhấn mạnh DN du lịch cần phải chủ động ứng phó khi AEC được hình thành. Chẳng hạn, AEC sẽ mở bầu trời tự do cho các hãng hàng không khu vực. Mới đây, hãng hàng không giá rẻ của Thái Lan là Nok Air đã thông báo mở đường bay thẳng từ Bangkok đến Hà Nội và TP.HCM, chủ yếu để lấy khách VN. Ngoài ra, các hãng du lịch nước ngoài đang đẩy mạnh việc lập công ty đại diện ở Thái Lan, Singapore và sẽ dùng quốc tịch những nước này nhảy vào thị trường VN. Lúc đó, các DN lữ hành VN sẽ cực kỳ khó khăn khi đối mặt với những công ty mạnh về tài chính và mạng lưới quốc tế như thế này. Nhiều khách sạn trong nước đang trong quá trình cổ phần hóa và có sự tham gia ngày càng đông của DN nước ngoài vào thâu tóm...
“Vì thế, VN cần ngay định hướng bảo vệ thị trường trong nước. Ngay như Thái Lan, dù mở cửa và phải tuân thủ các cam kết, nhưng các công ty du lịch liên doanh với nước ngoài, người Thái phải làm giám đốc, kế toán trưởng... Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải đổi mới DN của mình. Vietravel đang tính đến việc thuê nhân sự nước ngoài để tăng cường nguồn lực; xúc tiến mở các công ty đại diện ở các thị trường trọng điểm nhằm gia tăng sức cạnh tranh. Hiện chúng tôi đã có văn phòng ở Campuchia và sắp tới là Thái Lan, Singapore, Mỹ. Tự thân chúng tôi phải làm, không thể chờ đợi vì không muốn tụt hậu khi hội nhập”, ông Kỳ chia sẻ.
Theo ông Tài, tham gia AEC, ngành du lịch VN có điều kiện tiếp cận lớn hơn với nguồn lao động chất lượng cao từ bên ngoài mà VN đang rất thiếu. Ngược lại, DN trong nước cũng đối diện với nguy cơ chảy máu chất xám nếu không cạnh tranh được về lương, về môi trường làm việc. Vì thế, DN cần có những biện pháp thu hút nguồn lực cả trong và ngoài nước nhằm đảm bảo hoạt động của công ty. Bên cạnh chiến lược nâng cao năng lực quản trị, theo ông Tài, DN du lịch phải xây dựng tốt sản phẩm, chính sách giá cạnh tranh để giữ thị trường khách trong nước và tiếp tục thu hút lượng khách quốc tế.
N.Trần Tâm