Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư: Có hai điều băn khoăn về kinh tế nước nhà
Ngày đăng: 23/10/2015 12:17

(TNO) Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, có hai điều ông băn khoăn về nền kinh tế nước nhà là sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân và sự trì trệ của nông nghiệp.

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư: Có hai điều băn khoăn về kinh tế nước nhà - ảnh 1Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Bùi Quang Vinh

Phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội sáng nay 22.10 về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dẫn lại câu chuyện một nhà báo của BBC từng hỏi ông rằng: Là Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư của Việt Nam, ông cảm thấy băn khoăn nhất điều gì về nền kinh tế nước nhà? Ông cho biết, tự đáy lòng có hai điều băn khoăn. Thứ nhất về doanh nghiệp tư nhân, một đất nước muốn có tự chủ kinh tế thì doanh nghiệp của nước đó phải phát triển, bởi nó không chỉ hỗ trợ được cho mảng đầu tư nước ngoài mà phải đủ sức tiếp thu công nghệ. Thứ hai là sự trì trệ của ngành nông nghiệp với hình ảnh quen thuộc con trâu đi trước cái cày theo sau.

Về nỗi trăn trở đầu tiên, ông Vinh lý giải: một nền kinh tế mà không có lực lượng doanh nghiệp mạnh thì không bao giờ là nền kinh tế mạnh, càng không là nền kinh tế tự chủ. “Chúng ta làm nhiều nhưng thực tế doanh nghiệp rất yếu, quy mô nhỏ, chủ yếu làm dịch vụ. Doanh nghiệp chủ yếu mua bán, ăn xổi chứ chưa nói đến chộp giật”, ông nói và cho biết: "Tại sao các nhà đầu tư FDI khi vào Trung Quốc họ rất lo nhưng vào Việt Nam lại không. Vì Trung Quốc có nền tảng khoa học công nghệ rất mạnh. Chỉ cần mua máy bay Boeing về dỡ ra là đã làm được ngay 1 máy bay mang thương hiệu Trung Quốc. Cái này nói ví von, họ ăn cắp công nghệ rất giỏi”. 

Còn về sự trì trệ của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư chỉ ra, một đất nước có ngành chăn nuôi đủ điều kiện và thời tiết, khí hậu để nuôi 1 con lợn 10 cân lên 1 - 2 tạ nhưng lại rất kém về đầu tư. Có nhiều sản lượng đứng đầu thế gới nhưng chất lượng rất thấp.

“Tại sao Việt Nam phải nhập ngô, đậu tương? Rất đơn giản thôi vì kinh tế thị trường điều tiết hết. Sản lượng thì nước ngoài sản xuất trên cánh đồng thẳng cánh cò bay, năng suất 1 người làm trên máy móc bằng 1.000 lao động Việt Nam thu hoạch, giá chỉ bằng 1/3, đương nhiên doanh nghiệp họ mua, chứ đắt như Việt Nam ai mua”, ông bày tỏ.

Hai vấn đề trên, theo tư lệnh ngành Kế hoạch - Đầu tư, nếu không sớm khắc phục cùng với việc khẩn trương tái cấu trúc ngân sách thì sẽ rất nguy hiểm. "Phải đưa những nội dung trên vào trong Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện cho bằng được", ông Vinh kiến nghị.

Anh Vũ