Phát biểu trong phiên tranh luận về báo cáo thống kê số lượng chó bị làm thịt tại một số nước châu Á ở Hạ viện Anh hồi tuần trước, ông James Duddridge, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Anh, miêu tả ngành công nghiệp thịt chó là “phi nhân tính” và “ghê tởm”.
Ông Duddridge cho biết sẽ viết thư cho đại sứ tại tất cả các nước kể trên để đánh giá xem họ đang làm gì để ngăn chặn việc ăn thịt chó. Ông cũng khẳng định chính phủ Anh đã cam kết sẽ cải thiện phúc lợi động vật trên toàn thế giới, bao gồm việc phối hợp với chính quyền Trung Quốc (quốc gia có khoảng 20 triệu con chó bị làm thịt mỗi năm), cũng như “tổ chức những cuộc thảo luận bàn về các khác biệt văn hóa”.
Nghị sĩ Rob Flello gay gắt bình luận không thể lấy truyền thống tại các nước khác ra làm “bình phong” cho hành động “man rợ” này. Ông này cũng kêu gọi cần có hành động ngăn chặn lễ hội ăn thịt chó thường niên tại thành phố Ngọc Lâm, đông nam Trung Quốc.
BBC cho biết đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối Lễ hội Vải thiều-Thịt chó Ngọc Lâm (Trung Quốc) hồi tháng 6 vừa qua, khi mà có khoảng 10.000 con chó được cho là đã bị giết mổ tại lễ hội này.
“Tôi nghĩ vai trò của Hạ viện Anh không phải là dựa theo cảm giác của phương Tây để chỉ bảo những cộng đồng khác”, ông Flello phát biểu.
“Nhưng chúng ta không thể để diễn ra tình trạng dùng truyền thống làm bình phong cho những hành động man rợ, tàn bạo, phi nhân tính, ghê tởm này”, nghị sĩ Anh gay gắt lên án.
Tờ Birmingham Mail (Anh) hôm 8.11 dẫn lời ông Steve McCabe, một nghị sĩ thuộc vùng Birmingham, cho biết những quốc gia phương Đông cho phép ăn thịt chó đang tự gây khó cho ngành du lịch của mình. Du khách Anh có thể sẽ tẩy chay các quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam nhằm phản đối việc ăn thịt chó, theo cảnh báo của ông Steve McCabe.
Theo một báo cáo được đưa ra tại Hạ viện Anh hôm 5.11, mỗi năm tại Trung Quốc có khoảng 20 triệu con chó bị làm thịt. Còn ở Việt Nam và Hàn Quốc, con số này lần lượt là 5 triệu và 2 triệu.
Hoàng Uy