Không chủ động được hết các khoản chi, trong suốt nhiệm kỳ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng gặp phải không ít thách thức khi xử lý bài đầu vào cho ngân sách.
Tháng 5/2013, ông Đinh Tiến Dũng nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Tài chính, muộn hơn những người đồng cấp khác gần 2 năm, do Bộ trưởng đương thời Vương Đình Huệ được tiến cử vào vị trí mới tại Ban Kinh tế Trung ương. Nhiệm kỳ mà ông trải qua sau đó cũng được đánh giá là khó khăn, giữa bối cảnh kinh tế và ngân sách gặp nhiều thách thức.
Cái khó đầu tiên là các nguồn thu chủ đạo đều suy giảm, từ dầu thô, huy động trái phiếu Chính phủ liên tục đi xuống. Trước đây, thu ngân sách các năm luôn vượt dự toán ở mức cao thì đến thời ông Đinh Tiến Dũng, nguy cơ hụt thu lại chực chờ và ngân sách năm nào cũng chỉ về đích vào phút chót, với tỷ lệ vượt thu khiêm tốn.
|
So với 2 người tiền nhiệm là Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (giữa) và Trưởng ban Kinh tế trung ương - Vương Đình Huệ (phải), nhiệm vụ cân đối ngân sách trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng được đánh giá là rất khó khăn. Ảnh: H.H.
|
Tiếp đến là áp lực các nguồn thu nội địa sụt giảm khi kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp điêu đứng, chưa kể sức ép phải cắt giảm thuế theo một loạt những hiệp định song phương, đa phương đã đến gần.
Dẫu vậy, việc kiểm soát chi tiêu còn khó khăn hơn cả bởi không nằm hoàn toàn trong thẩm quyền điều tiết của riêng ngành tài chính. Với chi thường xuyên, khoản dành cho lương ngốn phần lớn nhưng việc cắt giảm bộ máy công chức cồng kềnh lại trễ nải hơn nhiều so với tốc độ giảm của nguồn thu. Chưa kể, tư duy tại các địa phương vẫn là tận dụng tối đa "bầu sữa" ngân sách, khiến ngành tài chính càng khó kiểm soát. Tương tự với đầu tư phát triển, nhiệm vụ của ngành tài chính thường là đảm bảo đủ nguồn cho các kế hoạch chi.
Khi nắm quyền, ông Đinh Tiến Dũng cũng đã cố gắng cắt giảm chi tiêu công. Năm 2013, vị Bộ trưởng được Thủ tướng khen tại Hội nghị ngành vì đã giúp tiết kiệm 22.700 tỷ đồng nhờ yêu cầu các đơn vị bỏ một loạt chi phí không cần thiết. Năm 2014, chuyện cán bộ các ngành, địa phương ồ ạt đi nước ngoài, thoải mái sử dụng điện nước, văn phòng phẩm đã được cải thiện. Qua năm 2015, các Bộ ngành lại "kêu" vì ông tiếp tục yêu cầu giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên để phòng khi ngân sách căng thẳng.
Một câu chuyện cũng được dư luận chú ý khi cơ quan quản lý tài chính quốc gia bắt đầu rà đến xe công, đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về chức danh được sử dụng cũng như siết chặt việc mua mới. Những số liệu gần đây cho thấy chi phí "nuôi" xe công ngốn của ngân sách tới gần 13.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây là lần đầu Bộ Tài chính công khai con số giật mình này.
Vì không được chủ động hoàn toàn về chi tiêu nên Bộ Tài chính luôn là phải tìm cách tăng thu. Trong 3 năm nhiệm kỳ, dấu ấn của ông Đinh Tiến Dũng nằm ở sự quyết liệt tăng thu. Ông liên tục trình Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa các Luật về thuế để tạo cơ sở pháp lý thay đổi cơ cấu nguồn thu cho bền vững hơn. Đến mức nhiều đại biểu còn cho rằng nếu Bộ Tài chính cứ liên tục đòi sửa luật như này, người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư "không biết đâu mà lần".
Hầu hết đề xuất của Bộ trưởng và ngành tài chính về thuế thường vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ, điển hình là việc tăng gấp ba phí bảo vệ môi trường xăng dầu lên 3.000 đồng nhưng chính sách này giúp ngân sách 2015 tăng thu 13.200 tỷ đồng. Hay như việc sửa Luật để nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu lên 9 triệu đồng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều ý kiến lo ngại sẽ hụt thu. Nhưng năm 2015, các khoản thu nội địa không kể dầu thô đều khởi sắc, thuế thu nhập cá nhân góp tới 55% tổng thu ngân sách, gần ngang ngửa với dầu thô - nguồn thu vốn được cưng chiều nhất trước đây.
Với thuế thu nhập doanh nghiệp, số đơn vị phải nộp đã tăng từ 30% lên 42%, góp phần giúp ngân sách địa phương vượt gần 48.000 tỷ đồng. Để đối phó với hụt thu về xuất nhập khẩu khi ký các hiệp định quốc tế, một số khoản thuế, phí khác đã có chiều hướng tăng lên, như câu chuyện thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô gần đây.
|
Một số vấn đề nội tại của ngành tài chính vẫn là thách thức lớn với vị Bộ trưởng sinh năm 1961. Ảnh: Q.D.
|
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thu qua thuế không nên xem là một thành tích, bởi cách này dễ khiến Bộ Tài chính "mất điểm" trong mắt người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, bản thân ngành này vẫn còn rất nhiều vấn nạn chưa xử lý dứt điểm.
Tại một cuộc hội nghị ngành năm 2014, chính Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng từng thẳng thắn thừa nhận "rất đau đầu chuyện cán bộ thuế tham nhũng vặt". Ông xót xa khi thấy người dân phải mất tiền thêm vì sự nhũng nhiễu của cán bộ thuế, trong khi tình trạng nhân viên ngành này "đi đêm" với doanh nghiệp, hộ kinh doanh để thu thuế thấp cũng gây thất thoát không nhỏ cho ngân sách. Ngoài ra, những câu chuyện như xử lý chuyển giá của doanh nghiệp FDI, cải cách thủ tục hành chính, quản lý giá sữa... dù đã có bước tiến lớn trong nhiệm kỳ vừa qua, song vẫn khiến dư luận không ít lần bức xúc.
Cuộc chiến với nợ đọng thuế khá chậm trễ và mới thực sự bắt đầu gần đây. Nếu dứt khoát và "khéo đòi", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng có thể giúp tăng ngân sách đáng kể bởi trong số hơn 76.000 tỷ đồng thuế nợ đọng cả nước, vẫn có khoảng 34.000 tỷ đồng là của các doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không trả.
Ngành tài chính cũng có phần khá khó khăn khi đối phó với nỗi ám ảnh nợ công. Thực tế, khi thu nhập giảm, áp lực chi những khoản cố định vẫn giữ nguyên, thậm chí là tăng nhanh thì người giữ tay hòm chía khóa của quốc gia khó lòng nghĩ đến việc trả bớt nợ.
Trường hợp của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng vậy. Nợ công ngày một tăng nhanh và tiến sát trần. Ngay trong năm 2015-2016, ngân sách phải trả 363.166 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2015-2016. Chưa kể khoản vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ sắp đến hạn cũng chưa rõ khả năng thanh toán đến đâu. Khi các nguồn trong nước đã quá tải, ông buộc phải xin phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ giải quyết được bài toán trước mắt và dồn rất nhiều áp lực vào tương lai, tạo thêm gánh nặng nợ nần cho các thế hệ sau này.
Thanh Thanh Lan