Những start-up đắt giá của doanh nhân gốc Việt được mua lại
Ngày đăng: 25/11/2015 12:07

Các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã phải chi hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ USD để mua lại các start-up đắt giá của các doanh nhân gốc Việt.

Misfit giá 260 triệu USD

Mới đây, doanh nhân Sonny Vũ đã chính thức công bố start-up Misfit của mình được Tập đoàn sở hữu những thương hiệu đồng hồ danh tiếng Fossil Group mua lại. Giá chuyển nhượng được tiết lộ lên tới 260 triệu USD. Dự kiến khi 2 bên hợp tác, công ty này sẽ bán được 50 triệu đồng hồ mỗi năm.

nhung-start-up-cua-doanh-nhan-goc-viet-duoc-mua-lai-tram-trieu-usd

Sonny Vũ bán Misfit với giá 260 triệu USD. Ảnh: Misfit

Sonny Vũ sinh năm 1973, tên Việt Nam là Vũ Xuân Sơn, cùng gia đình đến Mỹ năm 1979. Ông tốt nghiệp bằng đôi về toán học và ngôn ngữ tại Đại học Illinois và bảo vệ tiến sĩ tại trường đại học danh tiếng Massachusetts Institute of Technology vào năm 2000. Sau thương vụ sáp nhập, Sonny Vũ cũng sẽ giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ của Tập đoàn Fossil

Misfit là một start-up danh tiếng được khởi động vào năm 2011, chuyên về các phụ kiện, thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe. Misfit đã tạo ra những sản phẩm với kiểu dáng đẹp có chi phí thấp. Tuy vậy Misfit gần đây gặp phải cạnh tranh quyết liệt từ các hãng Xiaomi, Apple khi lấn sân vào lĩnh vực này.

Onebox giá 850 triệu USD và Lala.com 80 triệu USD

Năm 1999, Bill Nguyễn đã bán công ty chuyên về phần mềm tên Onebox chỉ sau 18 tháng hoạt động. Giá chuyển nhượng lên tới 850 triệu USD, trong khi anh chỉ mất 60 triệu USD để vận hành Onebox từ khi ra đời đến khi chuyển nhượng.

nhung-start-up-cua-doanh-nhan-goc-viet-duoc-mua-lai-tram-trieu-usd-1

Bill Nguyễn được báo chí nước ngoài gọi là người có khả năng thay đổi bộ mặt công nghệ thông tin toàn cầu.

Onebox được thành lập bắt nguồn từ ý tưởng gửi fax qua mạng internet khi Bill tìm đến các công ty đầu tư mạo hiểm để huy động vốn. Ngay khi ra đời, Onebox đã khẳng định được vị thế khi đông đảo người sử dụng.

Tiếp đó, năm 2009 Bill tiếp tục bán được lala.com - mạng kết nối những người yêu âm nhạc và là nơi giúp mọi người trao đổi đĩa cũ với giá 80 triệu USD cho Tập đoàn Apple. Sau đó Apple tích hợp ứng dụng này vào iTunes cho sản phẩm của mình.

Bill được xem như một người có duyên bán hàng cho Apple khi năm 2012 hãng này tiếp tục chi hàng chục triệu USD để mua lại ứng dụng chia sẻ hình ảnh do ông và một cộng sự sáng lập. Hiện tại, doanh nhân này đang phát triển Công ty Seven Networks chuyên cung cấp dịch vụ ứng dụng và nội dung cho nhà mạng.

Bill Nguyễn sinh năm 1971 tại Mỹ. Vì hoàn cảnh khó khăn, thời trẻ ông vừa đi học vừa bán xe hơi cũ và phải nghỉ học giữa chừng tại Đại học Houston, nhưng sau đó đã thành lập hàng chục công ty khác nhau. Bill được đánh giá là người thức thời, sẵn sàng bán sản phẩm tâm huyết của mình khi được giá và từng được Forbes vinh danh là một trong 40 người dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ.

On Display giá 1,8 tỷ USD

Năm 1995, Dung Tấn Trung thành lập công ty On Display chuyên về các phần mềm, giúp các công ty kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua mạng. Vì đi trước thời đại khi internet vẫn chưa phổ biến, nên ban đầu On Display gặp nhiều khó khăn về việc huy động vốn cũng như khách hàng.

nhung-start-up-cua-doanh-nhan-goc-viet-duoc-mua-lai-tram-trieu-usd-2

Doanh nhân tỷ USD Dung Tân Trung. Ảnh st

Đến năm 1998 khi internet đã bùng nổ, công ty phát triển thần tốc. Một năm sau đó, One Display tiến hành IPO và lọt vào top 10 công ty đạt kỷ lục IPO tại thị trường Mỹ vào thời điểm đó. 5 tháng sau khi niêm yết, công ty được chuyển nhượng cho Vignette với giá 1,8 tỷ USD.

Dung Tấn Trung sinh năm 1967, rời Việt Nam khi mới 17 tuổi. Năm 1985, ông đặt chân đến Mỹ với chỉ 2 USD. Ông tốt nghiệp Đại học Massachusetts ở Boston ngành Khoa học máy tính. Sự thành công của On Display đã đưa ông lên hàng các tỷ phú đôla.

Sau khi bán On Dislay, ông Trung trở về nước và lập ra Công ty Hỗ trợ Dịch vụ Thanh toán Việt Phú - nổi bật với thương hiệu ví điện tử Mobivi.

Công ty Tappy

Chỉ 12 tháng sau khi thành lập, star- up khởi nghiệp Tappy vừa được hãng công nghệ nổi tiếng Weeby.co đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) mua lại. Mức giá không được các bên tiết lộ, song giới công nghệ cho rằng thương vụ có trị giá hàng triệu USD. Người sáng lập ứng dụng này gồm: Trương Thanh Thủy, Vũ Duy Thức, Leslie Ngân Nguyễn.

nhung-start-up-cua-doanh-nhan-goc-viet-duoc-mua-lai-tram-trieu-usd-3

Trương Thanh Thủy đồng sáng lập ra Tappy.

Tappy cho phép những người đang ở cùng một địa điểm dễ dàng trò chuyện với nhau. Còn đối với các doanh nghiệp như nhà hàng hay quán bar, Tappy giúp đưa thông tin giảm giá, khuyến mãi đến khách hàng ngay.

Trương Thanh Thủy theo gia đình sang Mỹ định cư khi 17 tuổi. Cô theo học ngành kỹ sư máy tính ở Pasadena City College, sau đó nhận được học bổng liên thông vào Đại học Nam California và hoàn thành chuyên ngành Khoa học Máy tính tại đây vào năm 2009.

Trở về nước, Thủy khởi nghiệp trở lại với mô hình kinh doanh kem sữa chua bằng chuỗi nhà hàng mang tên Parallel. Hiện, cô đang làm giám đốc phát triển kinh doanh của Weeby tại khu vực châu Á

Công ty phần mềm mạng xã hội Katango

Một trong ba nhà sáng lập Katango là Vũ Duy Thức - một tài năng trẻ về công nghệ thông tin của Việt Nam.

Sản phẩm đầu tiên của Katango đã được ứng dụng trên iPhone với giải pháp sắp xếp, phân nhóm bạn bè và những người quen biết qua email, facebook và SMS. Cuối năm 2011, Google mua Katango với mục đích nâng cao chất lượng của mạng xã hội Google+.  Mức giá không được tiết lộ nhưng giới công nghệ đánh giá đây là thương vụ lớn trị giá hàng triệu USD.

nhung-start-up-cua-doanh-nhan-goc-viet-duoc-mua-lai-tram-trieu-usd-4

Vũ Duy Thức đồng sáng lập ra Katango được Google mua lại.

Vũ Duy Thức du học trên đất Mỹ từ thời trung học. Ngay từ nhỏ, anh đã bộc lộ mình là một tài năng tin học, từng đoạt danh hiệu sinh viên ưu tú nhất của Hiệp hội Nghiên cứu tin học Mỹ. Ba năm liên tiếp khi học ở Đại học Carnegie Mellon, Thức đạt điểm tuyệt đối tất cả môn học. Năm 28 tuổi, anh đã trở thành một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất tốt nghiệp tiến sĩ tại đại học danh tiếng Stanford.

Đứng trước cơ hội khởi nghiệp hoặc làm cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, Thức đã chọn trở về nước giúp đỡ các sinh viên. Ngoài việc dạy học, đến nay anh đã mở một công ty phát triển phần cứng cho robot tại Mỹ. Sắp tới anh sẽ lập quỹ đầu tư mạo hiểm và xây dựng các trung tâm nghiên cứu ý tưởng để chuyển giao công nghệ về Việt Nam.

Bạch Dương