Phá xe chở dầu không thể chặt đứt tận gốc tài chính cho IS, thay vào đó, chính thế giới cần ngăn nạn buôn lậu, rửa tiền và hoạt động tội phạm đã tồn tại lâu nay.
Nhà nước Hồi giáo (IS) là một trong những tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới. Nguồn thu của chúng mỗi năm lên tới hàng trăm triệu USD, chủ yếu là dầu mỏ với khoảng 500 triệu USD. Theo Bộ Tài chính Mỹ, IS có nguồn tiền rất đa dạng, ngoài bán dầu, chúng còn cướp ngân hàng, bắt cóc đòi tiền chuộc, trồng trọt và cả nhận tài trợ từ bên ngoài.
Vì vậy, cả thế giới đang kêu gọi phá hủy hoạt động khai thác và vận chuyển dầu mỏ của IS. Nga và Mỹ cũng đã nhiều lần không kích các xe chở dầu của tổ chức này. Tuy nhiên, trước khi chúng đặt chân tới các mỏ dầu màu mỡ tại phía đông Syria, chúng cũng đã kiểm soát Mosul - thành phố lớn nhì Iraq, và nhiều thành phố khác tại đây, như Fallujah hay Tal Afar.
Trên New York Times, Hassan Hassan - đồng tác giả cuốn "IS - Bên trong một đội quân khủng bố" cho rằng lời kêu gọi nhắm vào dầu thô đã phóng đại sự phụ thuộc của IS vào vàng đen.
|
IS kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm từ các hoạt động bất hợp pháp. Ảnh: Muftah
|
Trên thực tế, các cuộc không kích này có thể còn phản tác dụng. Việc ném bom, đặc biệt là ở miền đông Syria, có thể xáo trộn sinh hoạt của rất nhiều dân thường kiếm sống bằng hoạt động liên quan đến dầu mỏ, vận tải và giao thương tại đây. Sau sự sụp đổ của chính quyền miền đông Syria, hàng trăm gia đình đã phải dựa vào khai thác và lọc dầu để có nhiên liệu chạy phương tiện, tạo ra điện hoặc bán trên thị trường chợ đen nhằm kiếm sống.
Vì vậy, việc không kích sẽ khiến hoạt động kinh tế này bị gián đoạn. Nó có thể khiến nhiều gia đình phải gửi con trai đến gia nhập IS để có thu nhập.
Theo Roberto Saviano - tác giả cuốn sách về mafia Italy - Gomorrah, hệ thống tài chính của IS sẽ không thể suy yếu nếu chính thế giới không giải quyết được các vấn đề nội tại trong nền kinh tế. Vì cũng như các nhóm tội phạm có tổ chức khác, IS cũng bành trướng nhờ tận dụng các kênh vốn như: ma túy, dầu mỏ, vốn cá nhân và buôn lậu cổ vật. Chặn đứng nguồn tiền của IS cũng đồng nghĩa phải gây dựng lại kinh tế toàn cầu. Pháp, và trước đó là Mỹ, đều đã phải trả giá đắt cho sự bất cẩn này.
Cuộc chiến chống lại IS nằm ngay trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Chiến tranh nhiều khi chỉ khiến các nhóm cực đoan hình thành ngày càng nhiều mà thôi. Để chống lại IS, thế giới phải thay đổi các luật lệ nội bộ.
Chẳng có nhóm khủng bố nào không kiếm tiền từ buôn lậu ma túy. Cũng chẳng có nhóm nào khi đã có mạng lưới vận chuyển vũ khí, binh lính và tiền bạc, lại không chia sẻ chúng với các nhóm khác. Antonio Maria Costa - cựu Giám đốc Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc đã nói về điều này rất nhiều năm qua. Và theo Wikileaks, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng thừa nhận "có sự tương tác" giữa các nhóm tội phạm ở Italy và phiến quân hồi giáo cực đoan.
Bên cạnh đó, từ sau khi chiếm được thành phố Aleppo tháng 1/2014, các phần tử thánh chiến đã sở hữu một nhà máy dược phẩm có thể sản xuất Captagon – một loại amphetamine có khả năng kích thích tinh thần. Captagon cũng là tiền. Một năm qua qua, cảnh sát Ảrập đã thu giữ hàng tấn hasit (một loại thuốc lá) và hàng triệu viên amphetamine. Tháng trước, hải quan sân bay Lebanon cũng bắt được hai tấn thuốc Captagon đang được đưa lên máy bay riêng của một hoàng tử Ảrập. Những loại thuốc này sẽ được vận chuyển đi khắp nơi trên thế giới.
Saviano kết luận nếu muốn chống lại IS, cả thế giới phải theo dõi và chặn đứng những hoạt động này trong chính nền kinh tế. Và chính phủ các nước cũng không được nương tay với các hoạt động tội phạm, buôn lậu cũng như rửa tiền.
Hà Thu