Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã khó khăn vì chiến tranh tại Syria và Iraq, nay lại càng chật vật, đặc biệt khi Nga quyết định trừng phạt kinh tế nước này vì vụ bắn rơi máy bay.
Tại Eskisehir (Thổ Nhĩ Kỳ), một tuyến đường sắt cao tốc mới vừa được hoàn thành năm ngoái, nối thành phố này với Istanbul sang phía Tây và Ankara sang phía đông. Con sông chảy qua thành phố với những cây cầu xanh bắt mắt cũng thu hút rất nhiều du khách. Các nhà máy ở đây thì sản xuất mọi thứ, từ bánh ngọt, bánh quy đến tủ lạnh, xe tải chở hàng cỡ lớn và cả phụ tùng máy bay.
Tuy nhiên, bất chấp vẻ ngoài thịnh vượng như vậy, sự khó khăn đang bủa vây kinh tế Eskisehir nói riêng và cả Thổ Nhĩ Kỳ nói chung, khi xuất khẩu sang Trung Quốc và Trung Đông giảm sút. Hôm qua, Tổng thống Nga - Vladimir Putin còn ký sắc lệnh trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, với nhiều lĩnh vực, từ hàng nhập khẩu, hàng không đến lao động, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga đầu tuần trước. Hơn lúc nào hết, rủi ro với kinh tế nước này đang ngày càng rõ ràng.
Tình hình thất nghiệp tại đây đang gia tăng và "hoạt động kinh tế cũng chậm lại", Yilmaz Buyukersen - thị trưởng Eskisehir nhận xét trên New York Times.
|
Khu vực lao động tự do Thổ Nhĩ Kỳ tập trung chờ thuê mướn. Ảnh: NYT
|
Nga hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất với hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ, sau Đức. Riêng Eskisehir mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 triệu USD bánh và sản phẩm khác sang Nga.
Những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng xuất khẩu thực phẩm sang Nga, khi căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây leo thang, khiến Nga giảm nhập khẩu từ EU. Nga cũng là nguồn khách du lịch lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến tận năm ngoái. Nhưng sau đó, đồng rouble mất giá và các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến người Nga ngày càng ít đi du lịch. Dù sao, khách du lịch giảm cũng đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ đau đầu từ trước khi sự việc máy bay diễn ra.
"Thâm hụt thương mại là điều khó tránh khỏi, xuất khẩu chẳng đủ bù nhập khẩu. Vì thế, doanh thu từ du lịch đang là vấn đề lớn với tài chính của chúng tôi", Erinc Yeldan - Trưởng khoa kinh tế tại Đại học Bilkent (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết.
Tuy nhiên, Cengiz Kamil Firat - Phó giám đốc nghiên cứu các vấn đề kinh tế song phương tại Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tình trạng nước này vẫn còn khá hơn nhiều người nghĩ.
Quyết định hạn chế khách du lịch của Nga được đưa ra đúng thời điểm khách đến Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa thưa thớt. Nước này là điểm đến chủ yếu vào mùa hè, và đến tháng 6 năm sau mới đông đúc trở lại. "Cho đến lúc đó, tình hình chắc sẽ bớt căng thẳng hơn nhiều rồi", ông Firat cho biết.
|
Một công nhân Thổ Nhĩ Kỳ đang lau dọn nhà máy. Ảnh: NYT
|
Xuất khẩu chính của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ - khí đốt tự nhiên, hiện cung cấp 60% nhu cầu cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nga chưa hạn chế hoạt động này, có thể vì đây là nguồn ngoại tệ đáng giá với họ trong bối cảnh đang chịu trừng phạt từ phương Tây. Tổng thống Nga - Vladimir Putin cũng chưa can thiệp vào các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga.
Xuất khẩu sang Nga đóng góp 0,8% GDP Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ông Yeldan cho rằng điều quan trọng hơn cả là liệu tranh cãi với Nga có ảnh hưởng đến niềm tin quốc tế mà Thổ Nhĩ Kỳ cần để thu hút đầu tư nước ngoài hay không.
Khó khăn kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đang là mối lo tiềm tàng với phương Tây. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang cần sự trợ giúp từ nước này trong việc hạn số số người châu Âu dùng Thổ Nhĩ Kỳ làm nơi trung gian, di chuyển qua lại giữa các vùng IS chiếm đóng tại Syria và Iraq.
Mối lo lớn hơn nữa là khả năng chính trị nước này bất ổn nếu kinh tế chuyển biến xấu. Một khảo sát hồi giữa tháng của Pew Research cho biết 8% người dân Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm ủng hộ IS, và 73% phản đối.
Rất nhiều người dân ở Eskisehir nói rằng số người tị nạn từ Syria và các nước khác đang khiến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tồi tệ hơn, du khu vực này ở cách biên giới khá xa. "Đó là vấn đề lớn. Lượng người tị nạn từ Syria tăng từng ngày đang khiến vấn đề thất nghiệp trở nên trầm trọng", thị trưởng Buyukersen cho biết.
Trước một ngôi đền ở trung tâm Eskisehir, những người thất nghiệp đợi cả ngày để được thuê lao động tự do. Osman Boyaci (50 tuổi) cho biết ông và những người ngồi đây từng kiếm được 20 USD mỗi ngày khi làm việc tại một công trường. Nhưng khi những người dân di cư Syria đến đây và chấp nhận mức lương 6 USD, ông đã mất việc. Firat cho biết người tị nạn Syria gây ra nhiều vấn đề, nhưng cũng tạo ra nguồn lao động giá rẻ, hấp dẫn nhiều doanh nghiệp.
Dù vậy, khó khăn kinh tế của Eskisehir và Thổ Nhĩ Kỳ còn vượt xa tình trạng dân nhập cư và du lịch gián đoạn. Rất nhiều nền kinh tế mới nổi đang gặp khó vì thương mại toàn cầu suy giảm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngoại lệ.
Nước này từ lâu đã phụ thuộc vào xuất khẩu sang châu Âu và Trung Đông. Đây là hai khu vực nhu cầu hiện rất yếu. Một phần vì địa chính trị và một phần vì Trung Quốc đang xuất khẩu hàng giá thấp tới các thị trường lâu năm của Thổ Nhĩ Kỳ, như Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Chiến tranh tại Syria và Iraq đã hủy hoại nhu cầu hàng Thổ Nhĩ Kỳ, và khiến hơn 2 triệu người tị nạn Syria chạy đến đây. Iraq trước đây là thị trường xuất khẩu lớn nhì của Thổ Nhĩ Kỳ, sau Đức. Nhưng nhiều năm chiến tranh đã khiến thị trường tại đây co lại. Syria - một thị trường lớn khác, cũng sụp đổ vì nội chiến. Và việc chuyển hàng bằng xe tải qua Syria hoặc Iraq tới các thị trường của Thổ Nhĩ Kỳ tại Vịnh Ba Tư cũng ngày càng rủi ro.
"Dĩ nhiên thị trường không đóng cửa. Người ta phải buôn lậu thôi. Ai cũng cần sống chứ. Nhưng thương mại chỉ còn bằng 30% trước đây", Savas M. Ozaydemir – một doanh nhân lớn tại Eskisehir cho biết.
Xuất khẩu yếu cũng khiến tăng trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ càng đi xuống, kể cả trước căng thẳng với Nga. Nước này từng chỉ trích chính quyền quân sự của Hy Lạp. Để đáp trả, Hy Lạp đã cấm rất nhiều xe tải của Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng đến các chợ ở bán đảo Ảrập.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng phụ thuộc vào xuất khẩu vật liệu xây dựng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường bất động sản tại đây yếu đi đã khiến nước này gặp hạn. Với Cekicler Marble ở Eskisehir, việc này đồng nghĩa họ phải đóng cửa 3 trong số 9 nhà máy đang hoạt động, và sa thải một phần ba số công nhân.
Dù vậy, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng có vài điểm sáng. Chúng đang được dự báo giúp nước này duy trì tăng trưởng kinh tế quanh 3% trong vài năm tới. Tốc độ này thấp hơn 5% trung bình thập kỷ trước, nhưng cũng là cao hơn rất nhiều nước khác.
Một trong những điểm mạnh là bất động sản vẫn mạnh. Mối lo bất ổn chính trị đã khiến rất nhiều người dân khu vực Trung Đông mua căn hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng với lãi suất thấp, việc này đã tạo ra cơn sốt xây dựng tại Ankara và Istanbul.
Còn ở Eskisehir này, dịch vụ đường sắt cao tốc mới và tái quy hoạch một khu nhà máy cũ thành các tòa nhà chung cư chọc trời đang khiến các dự án bất động sản tại đây nở rộ. Dù vậy, nhiều doanh nhân vẫn tỏ ra lo lắng. "Tôi đã ở Eskisehir 15 năm rồi và chưa thấy nơi đây phát triển chậm như thế này bao giờ", Sinan Atinar - chủ một quán ăn tại đây cho biết.
Hà Thu