Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất tuần này đã gần như chắc chắn, và điều thị trường hiện quan tâm chỉ là mức độ tăng.
FED sẽ có phiên họp chính sách 2 ngày, kết thúc vào ngày 16/12 này. Họ đã giữ lãi suất ở mức thấp gần nhất một thập kỷ từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Vài tháng gần đây, các nhà hoạch định chính sách của FED vẫn nhấn mạnh rằng họ có thể tăng lãi suất từ từ, một phần vì còn nhiều yếu tố tiêu cực đến tăng trưởng, như thị trường bên ngoài yếu và tín dụng thắt chặt. Morgan Stanley khẳng định FED sẽ tăng rất nhẹ, để phản ánh lạm phát còn rất thấp so với mục tiêu 2% và để ngăn thị trường biến động mạnh.
"Chúng tôi cho rằng thông điệp 'tăng nhẹ' của FED sẽ là 'rất nhẹ', hãng nghiên cứu cho biết trong một thông báo. Morgan Stanley cho rằng FED cũng có thể nâng dự báo lạm phát cho 2 năm tới và lãi suất tại Mỹ sẽ vào khoảng 1,3% cuối năm sau.
|
Chủ tịch FED - bà Janet Yellen. Ảnh: Rex Features
|
Trên USA Today, Michael Gapen - nhà kinh tế học tại Barclays cho rằng nâng lãi từ từ sẽ xoa dịu lo lắng của một số quan chức FED, rằng lãi suất cao sẽ đe dọa đà phục hồi kinh tế. Các thị trường tài chính đều đã dự báo điều này. Paul Ashworth của Capital Economics thì dự báo FED sẽ tăng tốc nâng lãi trong năm tới, khi ảnh hưởng của giá dầu thấp và đồng đôla mạnh giảm đi.
Đồng đôla Australia sáng nay mất giá 0,3% và won Hàn Quốc mất 0,7% so với USD. Bloomberg Dollar Spot Index - chỉ số theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh so với 10 đồng tiền lớn khác, cũng nhích kên 0,1% trong phiên tăng thứ 3 liên tiếp.
Số liệu của Bloomberg cho thấy 74% nhà đầu tư đặt cược FED sẽ chấm dứt lãi suất cận 0 trong tuần này. Thắt chặt chính sách sẽ càng củng cố sự khác biệt của FED so với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, như châu Âu và Nhật Bản.
Các số liệu của Trung Quốc gần đây, từ doanh số bán lẻ đến sản xuất tại các nhà máy đều mạnh hơn dự báo, xoa dịu lo ngại kinh tế tại đây đi xuống. Trung Quốc là một trong những lý do chủ chốt khiến FED quyết định không nâng lãi suất hồi tháng 9.
Hà Thu