Khảo sát với xe cá nhân dọc tuyến Hà Nội - Ninh Bình cho thấy chi phí xăng dầu là 1.200 đồng mỗi km, trong khi phí cầu đường qua các trạm BOT lên tới 1.500 đồng.
Việc 23 trạm thu phí BOT đồng loạt tăng phí đường bộ từ tháng 1/2016 đang gây ra những bức xúc trong dư luận. Mới đây nhất, nhiều doanh nghiệp vận tải đã xếp hàng phản đối trạm thu phí Quán Hàu (quốc lộ 1A, Quảng Bình) tăng phí.
Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - Bùi Danh Liên, đầu tháng này, hiệp hội đã làm một khảo sát với xe 4 chỗ, chạy dọc tuyến Hà Nội-Ninh Bình. Kết quả cho thấy chi phí xăng dầu là 1.200 đồng mỗi km, trong khi phí cầu đường là 1.500 đồng.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, việc ồ ạt tăng phí với các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT từ 1/1/2016 càng gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Tăng giá vé qua các trạm BOT theo lộ trình là để bù trượt giá. Nhưng gần đây, kinh tế ổn định, trượt giá không nhiều thì các nhà đầu tư BOT phải tính toán lại lộ trình cũng như mức tăng giá vé cho phù hợp với thu nhập của người dân, tránh gặp phải sự phản ứng từ dư luận”, ông Bùi Danh Liên nhận xét.
|
Tình trạn ùn tắc xảy ra khi một số xe chặn trạm thu phí Quán Hàu (Quảng Bình) để phản đối tăng phí ngày 4/1. Ảnh: Trần Hùng
|
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa bức xúc về tình trạng phí đường bộ tăng quá cao, đặc biệt trên quốc lộ 5. Từ 1/12/2015, mức phí qua 2 trạm trên quốc lộ 5 đã tăng lên 2-3 lần so với trước kia. Và từ 1/4 tới đây, mức phí này sẽ tiếp tục tăng, thấp nhất với xe 4 chỗ là 45.000 đồng và 200.000 đồng một lượt với xe 18 tấn trở lên. Hiệp hội đang làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng cho lùi thời gian thu phí sắp tới.
“Mức phí tăng quá cao, tăng dồn dập khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp giảm sút. Trong khi phía các đối tác chở hàng không chấp nhận tăng cước phí, doanh nghiệp đã phải giảm phần lợi nhuận của mình để bù vào phí đường”, ông Lê Văn Tiến cho hay.
Ông Nguyễn Anh Hoan, đại diện một xí nghiệp xe khách cho biết, một chiếc xe 34-45 chỗ ngồi, chạy Giáp Bát-Thái Bình phải mất 4 lần phí cho một chiều: phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là 70.000 đồng, Cầu Giẽ - Ninh Bình (ra ở nút giao Liêm Tuyền (Hà Nam) là 60.000 đồng, phí qua cầu Tân Đệ là 50.000 đồng và phí qua trạm Mỹ Lộc là 44.000 đồng. Như vậy, chiếc xe này sẽ chịu phí 448.000 đồng tiền phí đường bộ cho hai lượt. Đó còn chưa kể các xe vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ qua đăng kiểm.
“Các trạm thu dày đặc khiến chi phí đường bộ tăng lên quá nhiều. May mắn là giá xăng đang giảm nên doanh nghiệp hiện giờ chưa tăng giá vé xe khách, song thời gian tới sẽ phải điều chỉnh tăng", ông Hoan cho hay.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, lộ trình tăng phí trạm BOT đã được thống nhất với nhà đầu tư từ khi ký kết hợp đồng xây dựng dự án. Nếu lùi thời hạn tăng sẽ phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước thống nhất một mức giá để có sự cân bằng giữa các doanh nghiệp vận tải khi lưu thông trên các tuyến đường.
Trong văn bản mới đây gửi Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo Bộ Tài chính đã yêu cầu Bộ Giao thông đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án như mức thu, thời gian thu phí hoàn vốn và tác động đến kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân... để cơ quan này có cơ sở tính toán, điều chỉnh mức thu phí sau đó.
Trong thông cáo gửi đi cuối ngày 7/1, Bộ Tài chính cũng lý giải chi tiết hơn về việc bác đề xuất lùi ngày tăng phí của Bộ Giao Thông nhằm đánh giá toàn diện chính sách để đảm bảo công bằng, tôn trọng cam kết với Nhà đầu tư, ổn định tâm lý và môi trường đầu tư ở Việt Nam. Theo cơ quan này, đề nghị của Bộ Giao thông "chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng, cam kết với nhà đầu tư trong Hợp đồng BOT Nhà nước đã ký và không thể ban hành Thông tư lùi thời hạn ngay được từ ngày 1/1/2016 vì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật".
Mặt khác, hiện cả nước có 53 trạm thu phí, nhưng Bộ Giao thông vận tải chỉ đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tăng mức thu phí 5 tháng của 23 trạm, trong khi đó vẫn tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn 7 Dự án sắp hoàn thành, với mức thu bằng 3,5 lần mức thu cơ bản.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông nên có đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án (mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân,...) và cần phân tích tác động trước mắt lâu dài để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Từ 1/1/2016, có 23 trạm BOT điều chỉnh mức phí. Trong đó có 10 trạm tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt/xe nhóm 1; có 5 trạm tăng từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng/lượt; 5 trạm tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt; 1 trạm tăng từ 25.000 đồnglên 35.000 đồng; 1 trạm tăng từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt; 1 trạm tăng từ 18.000 đồng lên 20.000 đồng. Ngoài ra có 10 trạm BOT bắt đầu thu phí hoàn vốn từ 1/1/2016. |
Đoàn Loan - Thanh Lan