Hiếm ai nghĩ việc nhân dân tệ giảm giá 6% trong hơn 5 tháng qua là dấu hiệu của khủng hoảng, song nhiều người sẽ giật mình khi mỗi sáng thức dậy, đồng tiền này lại mất 0,04% giá trị.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang đưa ra một loạt biện pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngăn đồng tiền này tiếp tục đi xuống. Những nỗ lực đó được Bloomberg so sánh với một số chiến dịch bảo vệ tiền tệ lớn chưa từng thấy tại các thị trường mới nổi trong hơn 2 thập kỷ qua.
Hong Kong (Trung Quốc) đã trở thành điểm mấu chốt cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Trong hai ngày nay, họ đã mua nhân dân tệ (NDT) ở thị trường Hong Kong để đẩy lãi suất vay qua đêm bằng đồng NDT lên kỷ lục - 67% hôm qua (12/1), từ mức chỉ 4% cuối tuần trước.
|
Một quầy đổi tiền tại Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: WSJ
|
Động thái này được đưa ra để hạn chế đầu cơ. Nó còn cao hơn so với lãi suất tại thời kỳ đỉnh điểm Nga cứu đồng rouble năm 2014 và sự can thiệp của Brazil năm 2009.
Để chống đỡ cho tỷ giá, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đã tiêu tốn hơn 500 tỷ USD trong 12 tháng qua, khiến dự trữ ngoại hối xuống còn 3.300 tỷ. Chi phí này thậm chí còn tương đương toàn bộ dự trữ ngoại hối của Thụy Sĩ - quốc gia có dự trữ lớn thứ 4 thế giới. Các lãnh đạo Trung Quốc cũng quyết định thắt chặt kiểm soát vốn, chặn đứng những giao dịch tiền tệ bất hợp phát và hạn chế cho vay xuyên biên giới.
Trong những thị trường mới nổi ngang hàng với Trung Quốc, NDT vẫn là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất so với USD năm qua. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang hành động ngày càng cấp bách. Với vai trò nền kinh tế lớn nhì thế giới, NDT mất giá không theo quy luật có thể khiến dòng vốn rút ra ngày càng lớn. Theo Bloomberg, con số này đã lên đến gần 1.000 tỷ USD trong 12 tháng, tính đến tháng 11/2015
"Họ đang thực sự cố gắng để ngăn chặn sự hoảng loạn", Lucy Qiu - nhà phân tích thị trường mới nổi tại UBS Wealth Management cho biết.
Bằng cách can thiệp vào thị trường Hong Kong, PBOC đã buộc giá NDT quốc tế tăng lên gần với giá trong nước, nhằm giữ chân nhà đầu tư nước ngoài. Giới chức cũng nhấn mạnh rằng mục đích của hành động này là để giữ NDT ổn định so với rổ tiền tệ, hơn là neo giá NDT theo sự mạnh lên của đồng đôla.
Việc ngăn chặn đầu cơ và thu hút đầu tư bằng cách tác động vào tỷ giá có thể giúp ngăn chặn khủng hoảng tiền tệ. Tuy nhiên, nó cũng sẽ khiến cả nền kinh tế rơi vào tình trạng suy yếu khi khiến các công ty và người tiêu dùng khó tiếp cận tín dụng.
Minh Châu